Tổng quan về các giống cỏ cho đồng cỏ thâm canh và chăn thả

 

1.  Giá trị dinh dưỡng của cỏ

Giá trị này được thể hiện qua các chỉ tiêu khối lượng chất xanh, vật chất khô, khối lượng protein, tổng giá trị năng lượng, vitamin và khoáng mà có thể thu cắt hay con vật có thể ăn được tính trên một đơn vị diện tích. Những giống cỏ Sả lá lớn như TD58, Hamil, các giống thuộc mới thuộc họ Brachiaria, các giống cỏ voi cho năng suất cao thích hợp cho đồng cỏ thâm canh. Những giống cỏ sả lá nhỏ K280, giống Andropogon, cỏ Ruzi, các giống thuộc họ Digitaria là những giống cỏ có bộ rễ ăn sâu, chịu giẫm đạp, có lá nhỏ, thân nhỏ và mềm, không ra hoa thường xuyên sẽ rất thích hợp cho đồng cỏ chăn thả.

2 Đặc điểm sinh trưởng của cỏ

Mỗi giống cỏ có đặc điểm sinh trưởng khác nhau, tùy điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thời tiết, mục tiêu đồng cỏ là thâm canh thu cắt hay để chăn thả mà chúng ta chọn giống cho phù hợp nhất nhằm mang lại hiệu quả cao nhất. Đối với đồng cỏ thu cắt ta nên chọn những giống có năng suất cao, khả năng tái sinh nhanh, ra hoa một lần trong năm, tỷ lệ lá nhiều. Với đồng cỏ chăn thả điều quan trọng là thời gian sinh trưởng của cỏ kéo dài qua các tháng trong năm, nhờ vậy mà giúp ta kéo dài thời gian chăn thả bò trên đồng cỏ. Nếu năng suất cao chỉ tập trung vào một ít tháng thì bò ăn không kịp, phơi cắt thì tốn chi phí bảo quản và hao hụt chất dinh dưỡng khi bảo quản dự trữ. Những giống cỏ thoả mãn nhu cầu này là giống cỏ chịu hạn và chịu lạnh. Điều ta mong đợi là đồng cỏ trồng một lần nhưng chăn thả được nhiều năm, ngay cả khi ta không có khả năng tưới vào mùa khô cỏ vẫn không bị chết. Khi lựa chọn cần chú ý đến các đặc điểm của cỏ như tính chịu hạn, chịu giẫm đạp khi chăn thả, kháng sâu bệnh, chịu lạnh giá. Những giống cỏ có thân bò (như cỏ Ruzi) hoặc thân ngầm (như cỏ lá sả) có điểm sinh trưởng ở dưới mặt đất, mùa khô cỏ ngừng phát triển nhưng khi mùa mưa đến cỏ lại mọc lại. Điều này rất có ý nghĩa, không phải chi phí trồng lại, do vậy giảm giá thành sản xuất cỏ và tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi.

Đối với đồng cỏ chăn thả thì khả năng trồng xen của giống này với giống cỏ khác là một vấn đề cần quan tâm vì các giống cỏ hoà thảo cỏ ưu điểm là năng suất chất xanh cao nhưng hàm lượng protein lại thấp (khoảng 10% chất khô) vì vậy đồng cỏ chăn thả nếu chỉ có cỏ hoà thảo thì không đáp ứng đủ protein cho bò năng suất cao. Để cải tiến chất lượng dinh dưỡng của thảm cỏ ta phải trồng xen các giống cỏ hoà thảo với các giống cỏ họ đậu như Stylo, Centro. Nếu trồng hỗn hợp hạt cỏ hòa thảo và cỏ họ đậu thì điều quan trọng phải lựa chọn các giống để phối hợp sao cho sự tồn tại và phát triển của giống này không làm mất đi các giống khác. Các giống cỏ hoà thảo thân nhỏ, thấp, lá nhỏ và nhiều như giống cỏ sả lá nhỏ, Andropogon, Ruzi, Peplum…thích hợp cho việc trồng xen với cỏ họ đậu Stylo, Centro. Cũng cần xem xét các giống cỏ có thể chịu được bóng râm để trồng xen dưới các vườn cây lâu năm chưa khép tán như dưới vườn dừa hoặc cao su.

Với đồng cỏ trồng thâm canh để thu cắt, chúng ta cũng nên quan tâm đến việc qui hoạch diện tích để trồng cỏ họ đậu, mặc dù năng suất cỏ họ đậu thấp nhưng hàm lượng protein cao (14-20%) để bổ sung vào khẩu phần từ 10-20% thức ăn thô xanh để nâng cao chất lượng khẩu phần thức ăn thô giảm chi phí cung cấp từ nguồn thức ăn bổ sung.

    Cần chú ý rằng, những giống cỏ có năng suất cao, chất lượng tốt cũng đòi hỏi chi phí trồng mới, chi phí duy trì và kỹ năng quản lý cũng cao hơn. Những giống như vậy chỉ được lựa chọn khi lợi nhuận chăn nuôi cao.

3 Khả năng nhân giống

Đối với cây cỏ có hai phương pháp nhân giống đó là nhân giống bằng hạt hoặc nhân giống bằng thân, gốc. Chọn những giống cỏ dễ nhân giống và có sẵn giống để giảm chi phí giống ban đầu. Mặt khác phương pháp nhân giống khác nhau thì yêu cầu kỹ thuật chuẩn bị giống cũng khác nhau vì vậy chi phí làm đất cũng khác nhau cần phải xem xét kỹ. Trồng bằng thân, bụi có tỷ lệ sống cao hơn và không cần chuẩn bị đất trồng kỹ như gieo hạt. Tuy nhiên chi phí mua giống và công trồng cũng cao và khó áp dụng trên diện tích rộng so với trồng bằng hạt.

4 Một số giống cỏ thích hợp với điều kiện nhất định

4.1 Một số giống cỏ Hòa thảo

Brachiaria brizantha (signal grass): giống cỏ sử dụng cho vùng ít mưa, đất chua nhẹ, xen cỏ đậu.

Brachiaria decumbens: thích nghi rộng với điều kiện khí hậu, đất đai.

Brachiaria milliformis: chịu bóng râm trồng dưới tán cây.

Brachiaria mutica (Para grass, Watter grass): cho vùng ngập nước, đất chua.

Brachiaria ruziziensis (Ruzi grass): cho vùng có lượng mưa trung bình.

Brachiaria humidicola: cho đất dốc, nghèo dinh dưỡng, ngập nước tạm thời.

Digitaria decumbens (Pangola grass): cho vùng hạn, đất xấu.

Paspalum plicatulum và Paspalum atratum: cho vùng ngập nước, đất chua.

Penisetum clandestinum (Kikuy grass) và Paspalum: cho vùng lạnh, cao, nhiều mưa.

Pancicum maximum (cỏ Sả, Guinea và Hamil): cho vùng khô hạn, đất tốt. Xen cỏ đậu.

Penisetum purpureum (cỏ voi): cho vùng đủ ẩm, không ngập úng, đất tốt.

Setaria sphacelata: cho vùng lạnh, đất xấu, ngập úng tạm thời.

4.2 Một số giống cỏ họ đậu

Centrocenma pubescens (đậu bướm): Cho vùng có lượng mưa cao (từ 1.250mm), chịu đất chua, chịu bóng râm, ngập úng tạm thời. Trồng xen cỏ thảo.

Desmodium intortum (Greenleaf; cỏ xoăn): Cho vùng có lượng mưa từ 1.100mm, chịu lạnh, dễ bị sâu bệnh.

Gliricidia maculata (cây cọc rào): Chịu hạn. Trồng làm hàng rào, trên đường phân lô đồng cỏ chăn thả.

Leucaena leucocephala (keo dậu): Chịu hạn, nơi có lượng mưa 750mm, đất thoát nước tốt, trồng trên lô đồng cỏ, làm hàng rào.

Stylosanthes hamata: Cho vùng khô hạn, đất thoát nước tốt, đất nghèo dinh dưỡng, chịu giẫm đạp khi chăn thả. Thích hợp với trồng xen với cỏ thảo để chăn thả.

Stylosanthes humilis: (lá nhỏ, phát triển chậm) thích hợp với nhiều loại đất, cả đất sét nặng và trong điều kiện khắc nghiệt. Trồng xen với cỏ thảo cho chăn thả.