Thiết kế đồng cỏ thu cắt và chăn thả (tính toán số lương đàn bò/trâu/dê phù hợp với diện tích cỏ trồng)

 

I. THIẾT LẬP ĐỒNG CỎ LÀM THỨC ĂN CHO GIA SÚC

1. Đồng cỏ thâm canh thu cắt

Là đồng cỏ được đầu tư phân bón, nước tưới, trồng giống cỏ năng suất cao để thu cắt. Trong chăn nuôi gia súc qui mô lớn, phương thức công nghiệp, năng suất cao việc trồng cỏ thâm canh là rất quan trọng và cần thiết vì giúp chúng ta khai thác tối đa tiềm năng của đất, tận dụng đất đai mà các loại cây trồng khác chưa sử dụng hết; chủ động được nguồn thức ăn cho gia súc và cung cấp cho gia súc thức ăn thô xanh chất lượng tốt nhất.

Trong việc chọn đất trồng cỏ điều cần chú ý là tìm những nguồn nước ở gần để sử dụng cho tưới tiêu. Hệ thống thoát thuỷ rất đắt tiền, nhất là khi dùng hệ thống thoát bằng ống. Thường người ta dùng hệ thống mương tiêu đào dưới đất vì rẻ tiền nhưng nó có nhược điểm là gây trở ngại cho việc đi lại. Những đất ít dốc người ta thường đào rãnh và lên vồng nối tiếp nhau để thoát nước.

Trên vùng đất phèn, đất mặn hay vừa phèn vừa mặn việc tiêu nước chưa chắc đã là biện pháp tốt, thậm chí gây nên những hiện tượng nước phèn nước mặn bốc lên làm đất không sử dụng được. Trong những điều kiện này phải hết sức thận trọng cải tạo dần dần bằng cách trồng những cây chịu úng phèn, mặn vừa sử dụng vừa cải tạo.

Trên vùng đất có độ dốc, công tác thuỷ lợi càng gặp nhiều trở ngại do bề mặt đất không đồng đều. Nông dân ở nhiều vùng cao đã cải tạo mặt bằng, làm nên ruộng bậc thang, giữ được nước để canh tác đồng thời hạn chế xói mòn đất.

Việc làm hệ thống tưới, tiêu phải chú ý sao cho không ảnh hưởng đến sự đi lại của gia súc và máy móc, cần thiết cho chăm sóc và thu hoạch cỏ.

Năng suất tùy thuộc vào giống cỏ, mức độ đầu tư (phân bón, nước tưới). Năng suất trung bình của các giống cỏ hòa thảo 30 tấn/ha cho 1 lứa cắt. 45 ngày cắt 1 lứa, 8 lứa cắt/năm. Ước 240 tấn/ha/năm (đủ cỏ nuôi được 20 con bò). Tối đa có thể đạt 500 tấn.

Nếu không chủ động tưới vào mùa khô thì ước 5 lứa cắt/năm, năng suất chừng 150 tấn/ha/năm (đủ nuôi 12-13 con bò). Tối đa 200 tấn.

Năng suất này khác nhau lớn giữa các trại vì vậy mỗi trại cần xác định năng suất thực của trại mình để xây dựng kế hoạch sản xuất và cung cấp cỏ.

2. Đồng cỏ chăn thả gia súc

Là đồng cỏ, bãi chăn tự nhiên trên đó trồng thêm các giống cỏ chịu giẫm đạp, cỏ họ đậu,chịu hạn dùng để chăn thả luân phiên mà không thu cắt.

Năng suất đồng cỏ chăn thả phụ thuộc vào thành phần các giống cỏ trên thảm cỏ, số bò chăn thả trên một đơn vị diện tích, quy trình chăn thả, độ phì nhiêu của đất, lượng mưa và phân bổ lượng mưa theo các tháng trong năm… Năng suất này dao động từ 20 tấn đến 40 tấn/ha/năm (đủ nuôi 2-4 con bò).

Trong chăn nuôi quảng canh, thức ăn thô cho trâu bò chủ yếu là cỏ tự nhiên, cỏ dại mọc ven đường, trong rừng, trên đất hoang không trồng trọt và phụ phẩm cây trồng sau thu hoạch. Cỏ tự nhiên có rất ít cây cỏ họ đậu, vì vậy thành phần protein của thảm cỏ rất thấp. Các bãi chăn thả tự nhiên với các giống cỏ tự nhiên không được quản lí và chăm sóc vì vậy thảm cỏ bị thoái hoá dần, năng suất và chất luợng thấp, không đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho những giống gia súc đã được cải tiến có năng suất cao.

Nuôi bò lấy thịt theo phương thức nuôi nhốt, trồng cỏ thâm canh thu cắt cấp tại chuồng, sẽ tăng thêm chi phí cắt cỏ và vận chuyển cỏ, do vậy mà tăng chi phí sản xuất và giảm lợi nhuận. Nuôi bò thịt theo phương thức chăn thả chính là sự kết hợp với bổ sung thêm thức ăn tại chuồng là hợp lý hơn cả. Vì vậy nuôi bò thịt phải gắn liền với thiết kế và quản lý đồng cỏ chăn thả. Có ba cách thiết lập đồng cỏ chăn thả phổ biến:

1.1/ Đưa thêm vào bãi chăn thả tự nhiên một số giống cỏ có năng suất và chất lượng tốt hơn (như cỏ Ruzi, cỏ Stylo, Pangola…) kết hợp với bón phân, chăm sóc và quản lý chăn thả khoa học. Cách này áp dụng cho bãi chăn có chất lượng thảm cỏ trung bình và khá.

1.2/ Thay thế hoàn toàn thảm cỏ hiện có bằng trồng mới các giống cỏ có năng suất tốt hơn. Thu cắt lứa đầu, từ lứa thứ 2 đưa bò vào chăn thả. Cách này áp dụng cho bãi chăn thả có thảm cỏ chất lượng kém.

1.3/ Thiết lập đồng cỏ mới từ chuyển đổi đất trồng cây lương thực, cây công nghiệp kém hiệu quả. Một ha đồng cỏ chăn thả chăm sóc tốt một năm thu được 80-100 tấn tương đương với 15-18 tấn vật chất khô. Nếu bán cỏ tại ruộng có thể chỉ thu được 15-20 triệu đồng nhưng khi nuôi bò chăn thả thì lượng thức ăn này đủ sản xuất ra 1,5 tấn thịt bò, tương đương với giá trị khoảng 40 triệu đồng.

Nguyên tắc

  • Dựa vào số lượng và nhu cầu dinh dưỡng của gia súc
  • Dựa vào năng suất, chất lượng giống cỏ trồng
  • Phương thức nuôi dưỡng (Nuôi nhốt hoàn toàn hay bán chăn thả, thời gian chăn thả bao nhiêu)

Phương pháp thiết lập đồng cỏ thâm canh và chăn thả

Giả sử: năng suất bình quân cỏ trồng thâm canh 240 tấn/ha/năm. Năng suất đồng cỏ chăn thả 24 tấn/ha/năm. Nhu cầu cỏ xanh cho 1bò/ngày là 30 kg thì ta có số liệu như sau:

  • Cứ 1 ha đồng cỏ chăn thả nuôi được 2,2 con bò
  • Cứ 1 ha đồng cỏ trồng thâm canh nuôi được 22 con bò. Cách tính toán như sau: 10-12% lượng thức ăn so với cơ thể. ví dụ: con bò 300kg nó sẽ ăn khoảng 30 kg cỏ xanh/ngày. Như vậy, 30 ngày 1 con bò có trọng lượng 300kg ăn  900kg cỏ xanh., một năm ăn 10800 kg (10.8 tấn cỏ xanh). Nếu năng suất cỏ đạt 24 tấn/ha/lứa cắt (lứa cắt tính 30 ngày/lứa), thu hoạch 10 lứa cắt/năm cho sản lượng 240 tấn/ha => 240/10.8 = 22 con bò.
  • Cứ mỗi 5% diện tích đồng cỏ thâm canh tăng lên thì 1ha đất đồng cỏ nuôi thêm được 1 con bò.

    Tùy theo diện tích cỏ trồng thâm canh chiếm bao nhiêu % tổng diện tích đất trồng cỏ mà số lượng bò tăng từ 2,2 con lên 22 con/ha đồng cỏ.

    Thí dụ: trại A có 50ha đất (tổng số). Diện tích đồng cỏ ước tính 40ha (50ha x 80%).

    Số lượng bò có thể nuôi được như sau:

  • Khi 100% diện tích đồng cỏ chă thả: 40ha x 2,2 bò = 88 con
  • Khi 95% chăn thả, 5% thâm canh: 40ha x 3,2 bò = 128con (40 ha tăng thêm 40 con nữa)
  • Khi chăn thả 90%, thâm canh 10%: 40 ha x 4,2 con = 168 con
  • Khi 100%  đồng cỏ thâm canh: 40 ha x 22 con = 880 con

    Chú ý: Đây chỉ là lý thuyết để lập kế hoạch, cần căn cứ vào thực tế từng trại để điều chỉnh.